spot_img

Trần Chánh Chiếu trong thư tịch xưa ở Nam Kỳ

Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ 20, việc kinh doanh buôn bán phần lớn nằm trong tay người Hoa.

Trần Chánh Chiếu đã có công lao mở rộng kinh doanh cho người Việt.

“…

Người Thanh ở đó như muôn

Làm ăn nghề nghiệp như nguồn nước sung.

Kẻ nghèo lãnh việc làm công

Người giàu giúp sức không lòng ghét nghi.

Trước sau tin cậy phải nghì

Chẳng hề tham lạm, chẳng khi ngạy tình.

Hùn nhau thương mãi kinh dinh

Thường niên tính sổ phân minh vốn lời.

…”

Sự độc quyền thương nghiệp của người Hoa đã đem về cho họ món lợi to lớn. Nhìn thấy được điều này, trong các chủ trương về cuộc Minh Tân của mình, Trần Chánh Chiếu đặc biệt khuyến khích người Việt tích cực tham gia vào công cuộc buôn bán.

Từ số 23 LTTV, ông G. Chiếu cho biết sẵn sàng giới thiệu những tiệm buôn, cứ gởi về ghi rõ hiệu tiệm, ngày khai trương, số vốn…, như một thứ quảng cáo miễn phí.

 Trần Chánh Chiếu
Trần Chánh Chiếu

Cũng với phương thức chủ yếu là kêu gọi vốn cổ phần để thành lập các tiệm buôn ở các chợ đầu mối, các trung tâm dân cư sung yếu.

Hai ngành kinh doanh được quan tâm hàng đầu đó là lúa gạo và bách hóa, cả xuất và nhập khẩu.

Và đây là một trong những chủ trương Minh Tân đem lại kết quả cụ thể hơn cả.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, đã có hơn chục cơ sở kinh doanh lớn của người Việt ra đời khắp Nam Kỳ, từ Biên Hòa, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Chợ Gạo, Sa Đét, Rạch Giá….

Xin dẫn ra mấy ví dụ điển hình về Trần Chánh Chiếu:

Nam Kỳ thương cuộc

Một lão nông 60 tuổi, tên Thạnh, họ Trần ở bờ sông Bảo Định, Mỹ Tho sáng kiến lập một công ty thương mại đại qui mộ. Theo đó, toàn cõi Nam Kỳ có 6 triệu dân, chỉ cần một nữa số này mỗi người hùn 1 đồng là được số vốn to (3 triệu) để lập nhà nhập cảng hàng hóa ở Sài Gòn rồi phân phối cho 253 cái chợ sẵn có ở Nam Kỳ, mỗi chợ một chi nhánh.

Như vậy dân Việt không còn bị nạn trung gian của Hoa kiều, “… mỗi năm thương cuộc có dư đặng 2,1 triệu bạc, để lần hồi lập cơ sở nhà máy xay, lập hãng ăn lúa gạo hoặc là lựa chọn con dân đứa nào thông thái thì xuất của ấy cho nó qua bên Tây học bác vật…” (LTTV số 12). Sáng kiến này quá lãng mạn, nhưng đáng ghi nhớ vì được một nông dân nghĩ ra từ năm 1908.

Nam Hòa Thạnh:

Theo lời đăng tải trong số 30 LTTV, Hội thương mãi này nhóm đại hội ngày 19/4/1908 tại châu thành Biên Hòa, có mặt 130 ông, góp vốn được 11.500 đồng. “Có bắt thăm cử 6 ông phái viên lo lập tiệm (có danh sách).

Lại cử 3 ông kiểm sát lo tra xét sổ sách và tiền bạc”. LTTV số 46, ngày 1/10/1908 cho biết: “Ông G. Chiếu, nhơn đi Biên Hòa mua đá đặng cất lò savon ở Mỹ Tho (…) viếng ngay tiệm Nam Hòa Thạnh công ty.

Thiệt là đáng khen, bán đủ các món hàng thiên hạ cần dùng, nhà dọn rộng rải ba căn lầu, vốn được 12.000 đồng. Đầu gia là M.Văn, nho nhã, chiêu hiền đãi sĩ…”.

Công ty Nam Chấn Thành:

LTTV số 20 đăng lời kỉnh cáo, ký tên là Chợ Lớn Nam Chấn Thành thương xã kỉnh khải N.H.N, cho biết, mới kêu hùn chưa nay 2 tháng mà “… các thơ hùn của anh em trong 6 tỉnh gởi đến tính đã gần bốn muôn đồng (40.000)… tháng sau sẽ mời hội viên nhóm một kỳ (…) chúng tôi cũng ngày đêm cầu nguyện cho mấy triệu đồng bào ta, cho đặng hùng tâm tráng chí (…) cạnh tranh quyền lợi, phát đạt văn minh… nên chúng tôi ước ao 21 hàng tỉnh Nam Kỳ ta, mỗi tỉnh đều lập một cuộc Nam Chấn Thành như vậy”.

 

Tân Thành thương cuộc:

LTTV số 18 loan tin, tiệm Nam Hòa ở Bến Tre. Tiệm này mua lúa với số lượng nhiều để bán cho nhà máy và xay ra để bán lẻ. Gạo lẻ của tiệm rất ngon và sạch, đặc biệt là ngon cơm như gạo Tàu Hương và Huyết Rồng.

Việc thương mãi trên đà thịnh vượng. Trước cửa tiệm có treo câu đối:

Nam hoa kỳ cư, lợi hộ hoằng khai đồ hậu tấn.

Hòa thương vân tập, quảng giao thạnh vượng khải tiền trình

Tân Thành thương cuộc

LTTV số 43, mục tin thương mãi: “Tỉnh Sa Đét, Tân Thành thương cuộc đã thâu vô hơn 6.000 đồng rồi. Đang dọn phố, ít ngày nữa khai trương”.

LTTV số 28 có bài viết về ông Lâm Quang Thời, một nhà kinh doanh lúa gạo lớn ở Trà Vinh: “Trong xứ tôi, làng Huyền Thạnh (Trà Vinh) có M. Lâm Quang Thời đã lập tiệm lúa rất lớn, cất hai kho và một cái nhà đặng buôn bán.

Kho thứ nhứt 16 căn, kho thứ nhì 10 căn, ước chứa được 200.000 giạ lúa. Để vốn trong cuộc số bạc là 100.000 đồng. Có bốn, năm chiếc ghe chở chuyền lao lúa sang năm đem bán cho các nhà máy Chợ Lớn. Còn sam-pan đi lòi lúa các nơi trên muời chiếc. Có người tài phú rất thạo trong chuyện buôn bán, lập làm bảy, tám thứ sổ. Coi công việc làm ăn rành rẽ lắm, chẳng nhượng Si-na (Tàu) đâu”.

Những công ty thương mãi đã lập hồi phong trào Minh Tân gặp không ít khó khăn từ phía chính quyền thực dân. Lúc ấy các họat động nhầm tự cường kinh tế được ngầm hiểu như là làm quốc sự.

Chính sách của Pháp lúc bấy giờ là bằng mọi cách triệt tiêu các nhân tố của cuộc Minh Tân, vì họ quá biết tinh thần ấy sẽ dẫn đến việc lật đổ chế độ thực dân.

“… Trải xem lại ngoại quốc; nước nào chẳng dụng nghề buôn vào bực nhứt, chẳng khai tông học mà văn minh? Tệ thay có một nước mình, còn hãy mơ màn chưa tỉnh (…). Chừng đó mới chụi mở mắt ra, không thì cứ nhắm hoài, ngủ hoài, nhúc nhác hoài. Thì e đến chết nắm hai tay không, chẳng khỏi mang câu sanh vô ích ư thế, tử vô văn ư hậu (Sống thì vô ích với đời/ Thác rồi không có tiếng người đồn khen)”.

Related Articles

- Advertisement -spot_img